Văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” – “lá chắn thép” trước âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội

2 lượt xem

Văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” là sự kết tinh những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa yêu nước, bản lĩnh kiên trung và truyền thống quân sự Việt Nam; là “lá chắn thép” trước sự tấn công của các thế lực thù địch với âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất giải pháp khả thi để đấu tranh hiệu quả với các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, nhằm bảo vệ bản chất, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam.

1. Văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” – cội nguồn sức mạnh và bản sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam

Văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” là hệ giá trị đặc sắc trong nền văn hóa quân sự Việt Nam, kết tinh phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cao đẹp của người quân nhân cách mạng. Văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” không chỉ là nền tảng bản chất cách mạng, cội nguồn sức mạnh mà còn là linh hồn, bản sắc, soi đường cho mọi hoạt động, giúp Quân đội nhân dân Việt Nam “trong bất luận điều kiện, hoàn cảnh nào cũng tuyệt đối trung thành với Đảng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”(1).

Những đặc trưng cốt lõi của văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” được thể hiện rõ nét ở lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, trình độ chính trị, tư tưởng; phẩm chất đạo đức, lối sống, tính tiên phong, gương mẫu; trình độ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy, huấn luyện, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của mỗi quân nhân. Đồng thời, thể hiện sinh động trong chính đời sống sinh hoạt, học tập, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của mỗi cán bộ, chiến sĩ gắn với từng cương vị, chức trách và nhiệm vụ cụ thể được giao.

Trong thời kỳ mới, văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” thể hiện sâu sắc trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quân đội ta, càng rõ hơn trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 855-CT/QUTW ngày 12/8/2019 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới” và Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.

Văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, góp phần lan tỏa những giá trị cốt lõi, làm giàu thêm nền tảng đạo đức, tinh thần của xã hội. Trước hết, đó là tinh thần yêu nước sâu sắc, sự tận tụy, trách nhiệm với cộng đồng – những phẩm chất đã hun đúc nên hình ảnh người chiến sĩ luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” còn thể hiện ở lòng nhân ái, đức hy sinh, sự vị tha – những giá trị cao quý góp phần gắn kết con người với con người, xây dựng một xã hội giàu tình thương và nghĩa tình. Hình ảnh bộ đội dầm mình trong bão lũ, cứu trợ nhân dân vùng thiên tai; kiên trì bám bản, giúp đồng bào phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo hay xông pha nơi tuyến đầu chống dịch, bảo vệ tính mạng nhân dân… trở thành nét đẹp tiêu biểu trong đời sống xã hội.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và những tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, văn hóa ấy càng trở thành lá chắn tư tưởng vững chắc, bảo vệ phẩm chất cao đẹp của người quân nhân cách mạng, không để bị phai mờ bởi chủ nghĩa cá nhân, thực dụng. Có thể khẳng định, chính sự kiên định, kiên trì gìn giữ, bồi đắp và phát huy giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”, “trước những diễn biến phức tạp của tình hình, cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn đoàn kết, thống nhất cao, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, từ đó phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” tiếp tục được tỏa sáng”(2).

2. Âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch và những hệ lụy khôn lường

Âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội

Trong chiến lược chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch luôn coi Quân đội nhân dân là lực lượng trọng yếu cần vô hiệu hóa từ bên trong. Với bản chất phản động, chúng xác định rằng, muốn làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng thì trước hết phải làm phai nhạt bản chất cách mạng của Quân đội, làm lung lay nền tảng tư tưởng mà trên hết là triệt tiêu các yếu tố cấu thành phẩm chất người quân nhân cách mạng. “Phi chính trị hóa” Quân đội chính là một âm mưu trong toàn bộ kế hoạch ấy.

Thực tế cho thấy, chúng không phủ nhận trực diện mà chủ yếu sử dụng các hình thức mềm dẻo, ngụy trang bằng những luận điệu tưởng chừng “hợp lý” như: đòi “tự do hóa quân đội”, “quân đội đứng ngoài chính trị”, “không chịu sự chi phối của bất kỳ đảng phái nào”… Thực chất, đây là những luận điệu xuyên tạc có chủ ý, nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam – nguyên tắc bất di bất dịch, mang tính sống còn với chế độ ta.

Chúng tập trung khoét sâu vào những vấn đề phức tạp nảy sinh trong quân đội, như đất quốc phòng, chính sách với quân nhân, đạo đức, lối sống của một số cá nhân… để thổi phồng, quy kết, làm mất uy tín tổ chức, bôi nhọ hình ảnh Quân đội ta. Đặc biệt, các thế lực thù địch tập trung xuyên tạc, bóp méo văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” – nền tảng tinh thần giàu bản sắc cách mạng của Quân đội ta, hòng làm phai nhạt biểu tượng về phẩm chất người quân nhân cách mạng, từng bước xóa mờ ranh giới giữa người quân nhân cách mạng với những khung hình lệch chuẩn mang tính cá nhân chủ nghĩa, thực dụng.

Hiện nay, không gian mạng đang trở thành địa bàn trọng điểm để chúng đẩy mạnh thủ đoạn này. Dưới vỏ bọc “thông tin đa chiều”, “tự do ngôn luận”, chúng tung ra hàng loạt tin giả, video cắt ghép, bài viết xuyên tạc, tạo dựng các tình huống giả định với ý đồ hạ thấp uy tín Quân đội ta, gieo rắc nghi ngờ, chia rẽ nội bộ, phá hoại mối quan hệ quân dân, làm xói mòn niềm tin của cán bộ, chiến sĩ vào sự lãnh đạo của Đảng. Mục tiêu sau cùng là làm cho Quân đội ta xa rời mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, mất phương hướng chính trị và từng bước bị các thế lực phản động thao túng, lôi kéo phục vụ cho những mục tiêu chính trị phản động.

Những hệ lụy khôn lường

Âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội nếu không được nhận diện kịp thời và đấu tranh ngăn chặn quyết liệt sẽ diễn ra âm thầm nhưng vô cùng nguy hiểm. Trước hết, là sự xói mòn về bản lĩnh chính trị, “mơ màng” trong nhận thức, dễ bị dẫn dắt bởi những quan điểm sai lệch. Mỗi quân nhân, khi không còn kiên định mục tiêu, lý tưởng, thiếu niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng thì không chỉ phẩm chất chiến đấu bị suy giảm mà còn ảnh hưởng đến khả năng giữ vững trận địa tư tưởng trong mỗi cơ quan, đơn vị và toàn quân.

Văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” chính là rào chắn đầu tiên và quan trọng nhất ngăn chặn sự lệch chuẩn ấy. Một khi nền tảng văn hóa này bị xuyên tạc, làm phai nhạt hoặc bị thay thế bằng các giá trị lai căng, thực dụng thì chính cơ thể tinh thần, chính trị của Quân đội sẽ suy yếu. Đó không chỉ làm mất đi hình tượng người quân nhân cách mạng mà còn là khởi đầu của sự rạn nứt niềm tin, đứt gãy mối quan hệ máu thịt giữa Quân đội với Nhân dân – yếu tố cốt lõi làm nên sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ở tầm vĩ mô, khi Quân đội không còn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, khi sự trung lập về chính trị bị áp đặt thì nguy cơ Quân đội bị phân hóa, bị điều khiển bởi các nhóm lợi ích hoặc thế lực bên ngoài sẽ hiện hữu. Điều này không chỉ gây bất ổn trong Quân đội mà còn dẫn đến rối loạn chính trị, suy yếu quốc phòng, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch can thiệp sâu vào nội bộ, đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền quốc gia và sự bền vững của chế độ.

Văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” – “lá chắn thép”

Trong đấu tranh phòng, chống âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội, văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” giữ vai trò nền tảng, tấm “lá chắn” vững chắc làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch từ sớm, từ xa. Với tính cách là tổng hòa các giá trị đạo đức, tinh thần và phẩm chất tốt đẹp được hun đúc qua các thời kỳ lịch sử, văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” góp phần giữ vững bản lĩnh chính trị, lòng trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, không bị dao động trước các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; tăng cường “sức đề kháng”, khả năng “tự miễn dịch” trước chiến tranh thông tin, đặc biệt trong bối cảnh mạng xã hội bị lợi dụng để bôi nhọ, làm giảm uy tín của Quân đội ta; giữ vững đoàn kết nội bộ, tránh bị chia rẽ bởi các luận điệu kích động tinh vi, thâm độc.

Vì vậy, bảo vệ và phát huy văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” không đơn thuần là bảo tồn một giá trị truyền thống mà là hành động chiến lược, có ý nghĩa sống còn, đây chính là “lá chắn thép” trước mọi âm mưu chống phá, giúp Quân đội ta giữ vững bản chất cách mạng, củng cố nền tảng chính trị, tinh thần, nâng cao năng lực miễn dịch trước các luồng tư tưởng độc hại, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu “phi chính trị hóa” từ sớm, từ xa, giữ vững vai trò nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

3. Giải pháp bảo vệ, phát huy văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” – “lá chắn thép” làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội

Trong những năm tới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại nói riêng đã và đang đặt ra yêu cầu mới ngày càng cao. “Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” và “dân sự hóa” Quân đội”(3). Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quá trình chuyển đổi số trong quốc phòng, an ninh, cùng với những tác động đa chiều từ mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế đã và đang làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt, các thế lực thù địch không ngừng lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền xuyên tạc, thúc đẩy âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội, gieo rắc hoài nghi, kích động chia rẽ nội bộ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; “chống phá, xuyên tạc truyền thống Quân đội và hình ảnh, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”(4).

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đoàn Cao xạ Tam Đảo, ngày 25/9/1966. (Ảnh Tư liệu)

Trước bối cảnh đó, để văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” thực sự trở thành “lá chắn thép” phòng, chống âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch, cần tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức về văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” gắn với xây dựng bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng cho cán bộ, chiến sĩ.

Giáo dục nâng cao nhận thức về văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” cho cán bộ, chiến sĩ chính là cơ sở quan trọng để xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, củng cố niềm tin, nâng cao sức đề kháng về tư tưởng, phòng, chống âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch. Trong bối cảnh hiện nay, khi sự phát triển của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và không gian mạng đang tác động sâu sắc đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, chiến sĩ thì việc nâng cao nhận thức về văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” không chỉ góp phần bảo vệ bản chất cách mạng mà còn là lá chắn bảo vệ trận địa tư tưởng vững chắc từ bên trong. Văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” không chỉ cần được gìn giữ như một giá trị truyền thống mà phải được thấm sâu, lan tỏa và trở thành nhu cầu tự thân của mỗi quân nhân.

Tuyên truyền, giáo dục cần phải khách quan, toàn diện, cụ thể; kết hợp hài hòa giữa nâng cao nhận thức, tư tưởng với xây dựng thái độ, hành vi; bám sát thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị và quá trình công tác của cán bộ, chiến sĩ để xác định nội dung tuyên truyền, giáo dục, tránh dàn trải, chung chung. Cần quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, lấy việc lan tỏa, phát huy để bảo vệ chính văn hóa cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới.

Tập trung giáo dục, tuyên truyền, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân nhận thức sâu sắc vai trò của văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” trong phòng ngừa, đấu tranh với âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch. Theo đó, cùng với việc giáo dục, quán triệt để cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền nắm rõ bản chất, âm mưu, tác hại của các luận điệu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch nhằm “phi chính trị hóa” Quân đội. Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần thường xuyên nâng cao nhận thức, làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ thấy rõ vai trò nền tảng của văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” trong phòng, chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, nhất là góp phần thắt chặt mối quan hệ với nhân dân, tăng cường “thế trận lòng dân”, giúp nhân dân tin tưởng và bảo vệ Quân đội trước các thông tin sai lệch. Qua đó, tạo nền tảng vững chắc thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nơi mà lòng dân chính là “pháo đài” quan trọng nhất đánh bại mọi thủ đoạn xảo trá, tinh vi của âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội.

Hai là, nghiên cứu, cụ thể hóa giá trị, chuẩn mực văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” thành các tiêu chí phù hợp với đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Trong mỗi giai đoạn cụ thể, giá trị, chuẩn mực này cần được phát triển toàn diện, đồng bộ với các yếu tố cấu thành văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” trong một chỉnh thể thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực chung và riêng của các đối tượng để cán bộ, chiến sĩ học tập, rèn luyện và làm theo; đồng thời, là thước đo để lãnh đạo, chỉ huy các cấp có cơ sở đánh giá mức độ hoàn thiện phẩm chất, nhân cách của mỗi cá nhân. Việc cụ thể hóa các giá trị, chuẩn mực văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” ở mỗi cấp, mỗi loại hình đơn vị cần lưu ý tính khoa học, phù hợp, vừa phản ánh được những yêu cầu chung, vừa thể hiện rõ tính đặc thù của mỗi tổ chức, lực lượng; tránh hiện tượng rập khuôn, sao chép của cấp trên hay chỉ thực hiện mang tính hình thức.

Thông qua các biện pháp, mô hình, cách làm sáng tạo, nhất là thông qua tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới”; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân… Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần đẩy mạnh thực hiện các chuẩn mực, giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” sâu rộng trong toàn đơn vị, tạo thành phong trào hành động mạnh mẽ. Đây là nội dung, biện pháp quan trọng nhằm góp phần hiện thực hóa các giá trị, chuẩn mực “Bộ đội Cụ Hồ” trong thực tiễn quân sự, vừa tạo nền tảng đấu tranh phòng, chống, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch hòng “phi chính trị hóa” Quân đội.

Ba là, thực hiện đúng quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp trong gìn giữ và lan tỏa văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy, một tấm gương sống còn có giá trị hơn trăm bài diễn văn tuyên truyền. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng chỉ rõ, một trong những nội dung quan trọng trong xây dựng Đảng về chính trị nói chung, giữ gìn và phát huy văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” nói riêng là “phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu”(5). Do đó, đây là giải pháp cần được triển khai đồng bộ, hiệu quả với xây dựng, thực hiện chuẩn mực “Bộ đội Cụ Hồ” trong cán bộ, chiến sĩ toàn quân, làm cho văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” ngày càng lan tỏa và phát huy giá trị.

Do đó, trước hết cần xác định rõ trách nhiệm chính trị, đạo đức và văn hóa của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ đối với việc giữ gìn và phát huy văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”. Trách nhiệm đó không chỉ thể hiện trong công tác lãnh đạo, chỉ huy, tổ chức thực hiện nhiệm vụ mà còn trong từng hành vi, cử chỉ, lời nói hàng ngày. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần tiếp tục cụ thể hóa các yêu cầu nêu gương trong quy chế làm việc, quy định ứng xử, tiêu chí nhận xét, đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên; xét, đề nghị danh hiệu thi đua, khen thưởng, quy hoạch, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ. Đồng thời, cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc nêu gương, bảo đảm thực chất, hiệu quả, tránh hình thức, chiếu lệ. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì các cấp phải thực sự là những tấm gương tiêu biểu về tinh thần “7 dám”; đề cao trách nhiệm, tích cực, tự giác phấn đấu, rèn luyện gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao; luôn gắn mình với tổ chức, đơn vị, sâu sát, gần gũi quần chúng, cấp dưới, công tâm trong xử lý các mối quan hệ. Từng cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ ở các đơn vị cơ sở trong toàn quân cần “gương mẫu trong phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”(6).

Bên cạnh đó, cần khuyến khích, tôn vinh, nhân rộng những tấm gương cán bộ tiêu biểu trong rèn luyện, giữ gìn và lan tỏa văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”. Mỗi điển hình tốt cần được lan tỏa rộng rãi thông qua hệ thống báo chí quân đội, mạng xã hội chính thống, các hội nghị biểu dương, diễn đàn thanh niên, sinh hoạt chi bộ, đơn vị… Từ đó, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, làm cho văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” trở thành dòng chảy liên tục, thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, hành vi của từng cán bộ, chiến sĩ. Khi cán bộ sống mẫu mực, đảng viên hành xử đúng mực, thì những lời nói về văn hóa không còn là lý thuyết khô khan, mà trở thành chuẩn mực sống động, dễ tiếp nhận, dễ noi theo.

Bốn là, xây dựng môi trường văn hóa quân sự chính quy, mẫu mực để gìn giữ, bồi đắp và lan tỏa văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.

Nếu coi văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” là một dòng chảy tinh thần bền bỉ thì môi trường văn hóa quân sự chính là mạch nguồn nuôi dưỡng để dòng chảy ấy được trường tồn. Môi trường văn hóa không chỉ là không gian vật chất mà còn là tổng hòa các yếu tố tổ chức, kỷ luật, quan hệ ứng xử, chuẩn mực đạo đức, lối sống và phong cách công tác. Chính từ môi trường ấy, phẩm chất người quân nhân được hình thành, củng cố và phát triển theo đúng định hướng cách mạng. Vì vậy, xây dựng môi trường văn hóa quân sự chính quy, mẫu mực không chỉ là nhiệm vụ thường xuyên trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu” mà còn là giải pháp căn bản để gìn giữ và lan tỏa văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới.

Các cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong đơn vị; kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng “lệch chuẩn” làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Từng cơ quan, đơn vị cần thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình trong mỗi cán bộ, đảng viên, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong tổ chức đảng, trong các cơ quan, đơn vị và toàn quân. Chú trọng tạo dựng mối quan hệ chuẩn mực, lành mạnh trong từng đơn vị, nhất là quan hệ cấp trên – cấp dưới; quan hệ đồng chí, đồng đội và quan hệ quân – dân. Đề cao trách nhiệm và sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, tập trung vào đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ và hiệu quả thực sự trong phấn đấu xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Việc tạo dựng môi trường văn hóa quân sự chính quy, mẫu mực cần gắn chặt với phát huy vai trò các tổ chức, các lực lượng trong phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Đồng thời, cần đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, “gắn xây dựng môi trường văn hóa với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực tiêu biểu”(7).

Bảo vệ văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch trong giai đoạn hiện nay, làm cho văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” không ngừng tỏa sáng, thấm sâu trong mỗi cán bộ, chiến sĩ là nhiệm vụ vừa cơ bản, lâu dài, vừa thường xuyên, cấp bách. Cấp ủy, người chỉ huy các cấp, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân cần đề cao cảnh giác, quán triệt sâu sắc quan điểm và phương châm tích cực, chủ động trong đấu tranh, nêu cao tinh thần tự giác, kiên quyết, kiên trì đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch hòng xuyên tạc, phủ nhận đi đến xóa bỏ mọi giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”, để “hình ảnh, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” tiếp tục được giữ vững và làm sâu sắc hơn trong lòng Nhân dân”(8).

Năm là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chủ động đấu tranh trên không gian mạng, bảo vệ và phát huy văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” trước âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội.

Hiện nay, không gian mạng đang trở thành mặt trận đặc biệt, nơi các thế lực thù địch ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội bằng những thủ đoạn tinh vi, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và bóp méo hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”. Vì vậy, Ban Chỉ đạo 35 các cấp, cơ quan, đơn vị cần chủ động củng cố lực lượng chuyên trách, như Lực lượng 47, cộng tác viên dư luận xã hội, tổ công tác đấu tranh trên không gian mạng. Tuy nhiên, để đấu tranh hiệu quả, không chỉ dừng lại ở phản bác mà còn chủ động “chiếm lĩnh trận địa thông tin”, lan tỏa giá trị tích cực, nhân văn của văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” trên các nền tảng số.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng truyền thông số, tư duy phản biện và kỹ thuật tác nghiệp trên mạng cho cán bộ chính trị, tuyên huấn, đội ngũ quản trị các nền tảng truyền thông nội bộ. Đẩy mạnh xây dựng nội dung tuyên truyền linh hoạt, đa phương tiện (video, clip ngắn, đồ họa thông tin, podcast…) phù hợp với từng nhóm đối tượng, nhất là thanh niên quân đội. Mỗi bài viết, mỗi hình ảnh về những tấm gương cán bộ, chiến sĩ tận tụy vì dân cũng là một “viên gạch” góp phần củng cố trận địa văn hóa trên không gian mạng. Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát, đánh giá tình hình tư tưởng trên môi trường số, chủ động phát hiện sớm biểu hiện lệch chuẩn, phản ứng nhanh với thông tin xấu độc. Mỗi quân nhân phải trở thành “chiến sĩ tư tưởng” thực thụ, không chỉ trên thao trường mà cả trong không gian mạng – nơi bảo vệ, gìn giữ và lan tỏa văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” giữa muôn vàn tác động đa chiều.

Văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” là một trong những nhân tố cốt lõi, góp phần tạo nên sức mạnh chiến đấu và bản chất cách mạng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trước những âm mưu, thủ đoạn tinh vi của các thế lực thù địch nhằm “phi chính trị hóa” Quân đội, nhiệm vụ bảo vệ, gìn giữ và phát huy văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây không chỉ là yêu cầu tất yếu để bảo vệ Quân đội ta trước mọi âm mưu “diễn biến hòa bình” mà còn là nền tảng vững chắc để Quân đội ta tiếp tục phát huy vai trò là lực lượng tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Do đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ cần không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, nâng cao tinh thần trách nhiệm, giữ vững ý chí chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Bằng ý chí kiên trung, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước, Nhân dân, toàn quân sẽ kiên quyết làm thất bại mọi âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, giữ vững danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới.

TS Bùi Việt Phương; ThS Lê Trần San, Trường Sĩ quan Lục quân 1, Bộ Quốc phòng (tcnn.vn)

___________
(1), (4), (6), (7) Quân ủy Trung ương, Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2021 về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới, H.2021, tr.1; tr.1; tr.6; tr.7.

(2) Tổng cục Chính trị, Báo cáo số 05/BC-CT ngày 03/01/2024 về tổng kết công tác đảng, công tác chính trị năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, tr.11.

(3) Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQG-ST, H.2022, tr.430.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.231.

(8) Tổng cục Chính trị, Tài liệu nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Nxb QĐND, H.2020, tr.29.

Bài viết cùng chủ đề:

Bài viết mới cập nhật: