Các thành viên Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam tuyên thệ trong lễ thành lập Mặt trận. (Ảnh: TTXVN)
Chăm lo xây dựng và tăng cường liên minh công-nông-trí làm rường cột của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là tư duy chính trị sắc sảo và nổi trội, là một yếu tố tạo nên bản sắc và giá trị cao đẹp của tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như cuộc đời và sự nghiệp của Người.
Đứng trên lập trường giai cấp công nhân, khác với những quan điểm đang rất phổ biến trong phong trào cộng sản công nhân quốc tế trong việc đánh giá vai trò và khả năng của các giai cấp trong cách mạng thuộc địa, vượt qua những hạn chế của những nhà yêu nước đương thời trong nhìn nhận, xử lý mối quan hệ giữa yếu tố nền tảng và yếu tố trụ cột trong đoàn kết lực lượng toàn dân tộc, ngay trong quá trình vận động thành lập Đảng, Hồ Chí Minh đã khẳng định công nông “là gốc cách mệnh”, trí thức là “bầu bạn cách mệnh” của công nông. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Hồ Chí Minh soạn thảo, được hội nghị hợp nhất thành lập Đảng thông qua ghi rõ, Đảng phải có nhiệm vụ liên lạc với trí thức để “kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp”, coi đó là một nhân tố bảo đảm thắng lợi của cách mạng.
Luận điểm trên đây của Cương lĩnh mở ra phương hướng và phương pháp xây dựng, bảo đảm tính nền tảng rộng rãi cũng như tính trụ cột bền vững của Mặt trận Dân tộc thống nhất, ngăn chặn khuynh hướng hẹp hòi, cô độc trong vấn đề đoàn kết, tập hợp lực lượng toàn dân tộc; đồng thời không sa vào chủ nghĩa cải lương, đoàn kết vô nguyên tắc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
Đúng như kỳ vọng và tin tưởng của Hồ Chí Minh, đội ngũ trí thức đã đồng hành cùng giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và các tầng lớp yêu nước đóng góp vào các phong trào đấu tranh do Đảng lãnh đạo hướng tới mục tiêu độc lập, tự do cho dân tộc. Đặc biệt, trong cao trào chuẩn bị và tiến hành Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thông qua việc thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh 19/5/1941, Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện cho trí thức tham gia và đóng vai trò một lực lượng cơ bản trong sự nghiệp cứu quốc.
Sự ra đời và hoạt động của Hội văn hóa cứu quốc, tổ chức “Thanh niên tiền phong” ở Nam Bộ, Tổng hội sinh viên Đông Dương, Hội truyền bá chữ Quốc ngữ… và các phong trào trí thức, thanh niên, học sinh trên cả nước là những biểu hiện rõ nét cho tính đúng đắn và bản lĩnh của Hồ Chí Minh trong đánh giá tinh thần và khả năng phụng sự công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của trí thức.
Phong trào đấu tranh của nông dân, công nhân và đội ngũ trí thức là ba phong trào quần chúng nổi bật, có tính phối hợp, gắn kết trong quá trình vận động và thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945; qua đó, đã hình thành trên thực tế mối quan hệ liên minh công-nông-trí và đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp lực lượng dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng trở thành đảng cầm quyền; trên chặng đường mới, ở cương vị đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng chăm lo, vun đắp, thắt chặt mối quan hệ công nhân, nông dân và trí thức đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Tăng cường liên minh công-nông-trí được Hồ Chí Minh và Đảng xác lập và hoàn thiện ở tầm chiến lược. Đường lối, chủ trương của Đảng được cụ thể hóa bằng những chính sách và biện pháp của Nhà nước. Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam (Cương lĩnh thứ ba của Đảng) thông qua tại Đại hội lần thứ II của Đảng (tháng 2/1951) viết: “Chính quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là chính quyền dân chủ của nhân dân (…) Chính quyền đó dựa vào Mặt trận dân tộc thống nhất, lấy liên minh công nhân, nông dân và lao động trí thức làm nền tảng và do giai cấp công nhân lãnh đạo”.
Cương lĩnh đã thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về liên minh công-nông-trí, đưa xây dựng liên minh trở thành đường lối chiến lược, mang tính nguyên tắc trong lãnh đạo của Đảng; một nội dung cơ bản, xuyên suốt hoạt động và tổ chức của bộ máy Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân.
Cũng theo dòng mạch tư duy đó, liên minh công-nông-trí có vai trò quan trọng trong xây dựng Đảng, là môi trường rèn luyện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú trong công nhân, nông dân và trí thức để phát triển đội ngũ đảng viên. Phát biểu tại buổi ra mắt Đảng Lao động Việt Nam (ngày 3/3/1951), Người nhấn mạnh: “Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nghĩa là những người thợ thuyền, dân cày và lao động trí óc kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân”.
Tăng cường liên minh công-nông-trí được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo, kêu gọi, vận động và chính Người là tấm gương mẫu mực trong thực hiện nhiệm vụ thắt chặt mối quan hệ giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức, dựa trên yêu cầu khách quan về mục tiêu bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất và xây dựng đất nước giàu mạnh. Trong Thư gửi Hội nghị nông dân cứu quốc toàn quốc lần thứ 2 (tháng 3/1951), Người yêu cầu nông dân: “Ra sức đoàn kết chặt chẽ với mọi tầng lớp nhân dân nhất là công nhân và lao động trí óc, để cùng nhau kháng chiến kiến quốc”.
Nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa 1, Trường đại học Nhân dân Việt Nam, ngày 21/7/1956, Người huấn thị: “trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, lực lượng chủ chốt của cách mạng là công nhân và nông dân (…) Nhưng cách mạng cũng cần có lực lượng của trí thức”, “trong sự nghiệp cách mạng, trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa, lao động trí óc có một vai trò quan trọng và vẻ vang; và công, nông, trí, cần phải đoàn kết chặt chẽ thành một khối”, “cần phải làm cho những người lao động (lao động trí óc và lao động chân tay) đoàn kết chặt chẽ với nhau, để cùng nhau xây dựng một xã hội mới và tốt đẹp”.
Hồ Chí Minh chỉ đạo xây dựng, phát triển giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, tầng lớp trí thức. Trong đó, giai cấp công nhân đóng vai trò hạt nhân, đặt trong chỉnh thể các mối quan hệ hữu cơ, bảo đảm sự tiến bộ thành phần này tạo nên sự chuyển hóa, tiến bộ của thành phần khác và ngược lại. Người viết: “Công nông trí thức hóa. Trí thức công nông hóa. Nghĩa là công nông cần học tập văn hóa để nâng cao trình độ tri thức của mình, trí thức cần gần gụi công nông và học tập tinh thần, nghị lực, sáng kiến và kinh nghiệm của công nông”.
Hồ Chí Minh quan tâm chỉ đạo, “thực hiện đoàn kết chặt chẽ giữa lao động trí óc và lao động chân tay” theo phương châm đề cao vai trò, vị trí của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân cũng có nghĩa là khẳng định vai trò của đội ngũ trí thức và ngược lại, tin tưởng, trọng dụng trí thức chính là phát huy vai trò then chốt của công nông; kịp thời ngăn chặn, khắc phục những tư tưởng và biểu hiện làm tổn hại đến liên minh công-nông-trí. Người phê phán những “tư tưởng lệch lạc” cho rằng: “lao động trí óc vẻ vang hơn lao động chân tay” và kiên quyết chống những biểu hiện hình thức. Nhờ đó, liên minh công-nông-trí vững bền, thực chất và phát huy vai trò trụ cột của cách mạng.
Vai trò của liên minh công-nông-trí theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã được kiểm nghiệm trên các chặng đường cách mạng Việt Nam bằng những kỳ tích, thắng lợi mang tầm vóc lịch sử và thời đại. Trong tình hình mới, đại đoàn kết toàn dân tộc được Đảng xác định “là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức tiếp tục được khẳng định là rường cột, nền tảng xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Quan điểm của Đảng thể hiện sự nhất quán, kế thừa, tiếp nối và phát triển sáng tạo tư tưởng và di sản Hồ Chí Minh về liên minh công-nông-trí nhằm hiện thực hóa những mục tiêu và khát vọng trong kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam.
PGS, TS TRẦN TRỌNG THƠ (nhandan.vn)