Chứng chỉ ngoại ngữ là quyền lợi, không phải yếu tố quyết định tuyển sinh

2 lượt xem

Ngoại ngữ đang trở thành chìa khóa mở cánh cửa hội nhập toàn cầu. Nhưng liệu có phải học ngoại ngữ chỉ đơn giản là đạt chứng chỉ? Câu chuyện về “tấm hộ chiếu” ngôn ngữ này không chỉ gói gọn trong giấy tờ, mà còn là hành trình khám phá và giao tiếp thật sự, vượt qua những áp lực và bất công trong xã hội.

Không ai phủ nhận vai trò của ngoại ngữ trong thời đại toàn cầu hóa – đó là công cụ giúp con người giao tiếp, học tập, làm việc và vươn ra thế giới. Tuy nhiên, những năm gần đây, tại nhiều trường phổ thông, ngoại ngữ đã trở thành cuộc đua – không phải để mở rộng tầm nhìn, mà để giành một tấm chứng chỉ. Khi chứng chỉ IELTS, TOEFL được xem như “vé thông hành” để miễn thi tốt nghiệp, thậm chí tạo lợi thế xét tuyển đại học, nhiều gia đình đã sẵn sàng đầu tư thời gian, tiền bạc và cả tuổi thơ của con em mình vào các khóa luyện thi cấp tốc.

Khi áp lực thi cử đè nặng, việc học ngoại ngữ dần bị bóp méo, trở thành công cụ tính điểm hơn là phương tiện để phát triển năng lực. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia giáo dục liên tục lên tiếng cảnh báo.

GS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT), khẳng định: “Ngoại ngữ là nền tảng giúp sinh viên Việt Nam giao tiếp và làm việc trong môi trường toàn cầu. Tất cả các chương trình đào tạo đại học đều yêu cầu trình độ ngoại ngữ, và đầu ra phải đạt ít nhất bậc 3/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ quốc gia”. Nhưng ông cũng nhấn mạnh, đích đến không phải là chứng chỉ, mà là khả năng sử dụng ngôn ngữ hiệu quả trong cuộc sống và công việc.

Theo TS. Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội, đằng sau mỗi ngành đào tạo ngoại ngữ là cả một hệ sinh thái nghề nghiệp. “Các em được định hướng nghề nghiệp rất rõ ràng. Mỗi ngôn ngữ mở ra một thế giới với vô vàn cơ hội: Sư phạm, truyền thông, thương mại, ngoại giao, du lịch… Học ngoại ngữ không chỉ để biết nói, mà để hiểu và làm việc trong thế giới đó”, bà Phương chia sẻ.

Tuy nhiên, trong giáo dục phổ thông hiện nay, nhiều học sinh, đặc biệt ở các thành phố lớn – được cha mẹ đầu tư học IELTS, TOEFL từ rất sớm. Với hy vọng con sẽ được miễn thi tốt nghiệp hoặc có thêm lợi thế xét tuyển đại học, không ít phụ huynh sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng mỗi năm cho các khóa luyện thi cấp tốc. Thậm chí, có em bắt đầu luyện chứng chỉ quốc tế từ lớp 6, lớp 7. “Học phí cho các khóa luyện thi lên tới hàng chục triệu đồng mỗi năm. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện theo học, dẫn tới sự phân hóa rõ rệt về cơ hội”, TS. Cúc Phương nhận định. Không ít học sinh ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, nơi điều kiện học tập còn thiếu thốn, gần như không thể tiếp cận các khóa học này, tạo ra khoảng cách ngày càng lớn giữa các nhóm học sinh về mặt cơ hội và định hướng tương lai.

GS.TS Nguyễn Ngọc Hà cho biết, có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định không phải là yếu tố quyết định trong tuyển sinh đại học – Ảnh: VGP/Tuệ Lâm

Nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại rằng việc học ngoại ngữ trong trường phổ thông đang dần lệch hướng, khi mục tiêu thực chất bị thay thế bằng cuộc chạy đua lấy điểm và săn chứng chỉ. GS.TS Nguyễn Ngọc Hà cho biết, chính sách miễn thi tốt nghiệp chỉ áp dụng đối với học sinh sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ được công nhận, đạt từ bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ quốc gia. Tuy nhiên, ông cảnh báo, nhiều phụ huynh và học sinh đang ngộ nhận rằng có chứng chỉ ngoại ngữ sẽ nắm chắc lợi thế trong tuyển sinh đại học-điều này là không đúng. Ông nhấn mạnh: “Miễn thi tốt nghiệp là một quyền lợi cụ thể, nhưng không đồng nghĩa với việc được ưu tiên xét tuyển vào đại học. Mỗi trường có phương án tuyển sinh riêng và không nhất thiết dựa vào chứng chỉ ngoại ngữ”.

Dù được thiết kế nhằm giảm bớt áp lực thi cử, nhưng chính sách miễn thi tốt nghiệp đối với môn ngoại ngữ lại đang bị một bộ phận phụ huynh và học sinh hiểu sai, khiến việc luyện chứng chỉ trở thành một áp lực mới. Việc học ngoại ngữ cần được trả về đúng giá trị cốt lõi – đó là khả năng sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp, học tập, làm việc và sống trọn vẹn trong một thế giới đang thay đổi từng ngày. Nếu chỉ chạy theo điểm số và tấm chứng chỉ, chúng ta đang dạy học sinh cách ghi nhớ để thi, thay vì cách lắng nghe và thấu hiểu người khác.

Ngoại ngữ không phải là một cuộc đua, càng không nên trở thành gánh nặng. Nó là cánh cửa mở ra thế giới-nhưng cánh cửa ấy chỉ thực sự có ý nghĩa khi người học bước qua bằng năng lực thực chất và đam mê, chứ không phải bằng một tờ giấy xác nhận.

Tuệ Lâm (chinhphu.vn)

Bài viết cùng chủ đề:

Bài viết mới cập nhật: