Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lãnh tụ thiên tài, nhà cách mạng kiệt xuất, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới

6 lượt xem
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp lần thứ 3 của Ban chấp hành Trung ương bàn về kế hoạch Nhà nước năm 1961 (Hà Nội, 12/1960). Ảnh: TTXVN

Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là hành trình đấu tranh không nghỉ vì độc lập, tự do cho dân tộc và hạnh phúc cho Nhân dân. Người chính là biểu tượng sinh động nhất cho khát vọng tự do, là tấm gương đạo đức sáng ngời, là cội nguồn mọi thắng lợi của đất nước.

Ngày 19/5/1890, tại làng Sen (Nghệ An), cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã cất tiếng khóc chào đời. Thời điểm ấy, không ai biết rằng cậu bé đó sau này sẽ làm thay đổi vận mệnh của cả một dân tộc, trở thành vị lãnh tụ thiên tài, nhà cách mạng kiệt xuất, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là hành trình đấu tranh không nghỉ vì độc lập, tự do cho dân tộc và hạnh phúc cho Nhân dân. Người chính là biểu tượng sinh động nhất cho khát vọng tự do, là tấm gương đạo đức sáng ngời, là cội nguồn mọi thắng lợi của đất nước.

Người khai sáng con đường giải phóng dân tộc Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà yêu nước vĩ đại, người khai sáng con đường giải phóng dân tộc Việt Nam, là hình mẫu của một người chiến sĩ cách mạng trọn đời hy sinh vì nước, vì dân. Người chỉ có một ham muốn, một mục tiêu duy nhất: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. (1)

Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, ngay từ thuở thiếu thời, cậu bé Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành đã nuôi dưỡng trong mình khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc.

Năm 1911, Người ra đi tìm đường cứu nước với quyết tâm không gì lay chuyển nổi: “Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta” (2). Trong hành trình 30 năm bôn ba, từ châu Á sang châu Âu, châu Phi rồi sang tận châu Mỹ, Người đã tiếp cận ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, xác định được con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Người khẳng định: “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”.

Sự lựa chọn đó dẫn tới sự kiện lịch sử trọng đại: ngày 3/2/1930, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Sự ra đời của Đảng là kết quả kết tinh của lý luận cách mạng tiên tiến và phong trào yêu nước Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam. Người xác định rõ: Đảng ta là một Đảng cách mạng, một Đảng của giai cấp công nhân, đồng thời là Đảng của toàn dân tộc. Từ đây, với vai trò là người sáng lập, dẫn dắt và chèo lái, Người đã trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam tiến bước vững chắc trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.

Đỉnh cao đầu tiên của sự nghiệp cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác kính yêu chính là thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước công-nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể quốc dân và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. (3)

Tuy nhiên, độc lập chưa được bao lâu, dân tộc ta lại buộc phải bước vào những cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong suốt những năm tháng khốc liệt ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là người lãnh đạo tối cao, vừa là linh hồn của kháng chiến, luôn cổ vũ ý chí sắt đá và niềm tin chiến thắng cho toàn dân tộc. Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” không chỉ là khẩu hiệu chiến đấu mà còn là lẽ sống, là linh hồn của sự nghiệp cách mạng mà Người theo đuổi đến hơi thở cuối cùng. Dù trong gian khổ, tù đày hay khi ở trên cương vị nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những gì tôi muốn, đấy là tất cả những gì tôi hiểu” (4). Chính sự nhất quán giữa lời nói và hành động, giữa lý tưởng và cuộc sống đã làm nên một vị lãnh tụ vĩ đại.

Không chỉ dừng lại ở sự nghiệp giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người xây nền móng cho việc xây dựng một nhà nước mới – nhà nước của dân, do dân và vì dân. Người luôn nhấn mạnh: “Nước lấy dân làm gốc”. Quan điểm ấy không chỉ thể hiện trong tư tưởng mà còn trong phong cách sống, phương pháp lãnh đạo của Người. Người căn dặn cán bộ, đảng viên phải luôn gần dân, hiểu dân, lắng nghe và phục vụ dân. Người nhấn mạnh: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi”. (5)

Những tháng cuối đời, mặc dù bệnh nặng, Người vẫn dành trọn suy nghĩ và tình cảm cho đất nước và Nhân dân. Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lời căn dặn, mà còn là bản tổng kết trí tuệ, đạo đức và tâm hồn cao cả của một bậc vĩ nhân. Trong Di chúc, Người viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân” (6). Đó không chỉ là lời tổng kết cho một đời người, mà còn là chân lý sống đã được Người thực hiện một cách trọn vẹn suốt hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng.

Các cháu thiếu nhi Thủ đô đến chúc thọ Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, ngày 19/5/1958. Ảnh: TTXVN

Sáng mãi tư tưởng và nhân cách Hồ Chí Minh

Nếu sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc là đỉnh cao vĩ đại của trí tuệ và bản lĩnh Hồ Chí Minh, thì đạo đức và tình yêu thương con người là đỉnh cao nhân cách của Người – một con người suốt đời “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”. Trong tư tưởng và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng không phải là những khái niệm giáo điều, xa vời, mà chính là sự kết tinh giữa lý tưởng cộng sản và lòng nhân ái truyền thống của dân tộc Việt Nam, giữa bản lĩnh kiên cường và trái tim nhân hậu, bao dung.

Đạo đức mà Người nêu cao là đạo đức hành động, được thể hiện sinh động trong lối sống, trong từng việc làm hằng ngày. Đó là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; là tinh thần vị tha, lối sống giản dị, gần gũi, hòa mình với Nhân dân. Người nhiều lần khẳng định, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không phải chỉ có lòng yêu nước mà còn phải có đạo đức cách mạng. Người cũng luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, bởi: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. (7)

Đi đôi với tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng là đấu tranh chống lại những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, của thói quan liêu, tham nhũng, hách dịch và lạm dụng quyền lực. Người gọi chủ nghĩa cá nhân là “giặc nội xâm”, là căn bệnh nguy hiểm nhất đối với người cán bộ cách mạng. Người nhấn mạnh: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” (8). Cảnh báo ấy còn nguyên giá trị đến hôm nay.

Tư tưởng đạo đức của Bác gắn liền và thấm đẫm trong chính cuộc sống đời thường của Người. Bác sống thanh bạch, giản dị đến mức làm lay động lòng người. Trong kháng chiến chống Pháp, Bác ăn cơm nắm, ngủ lán rừng cùng chiến sĩ, Bác không nhận bất kỳ sự đãi ngộ đặc biệt nào cho riêng mình. Trong kháng chiến chống Mỹ, giữa Thủ đô Hà Nội, Bác vẫn chọn sống trong căn nhà sàn đơn sơ bằng gỗ, chỉ vài bộ quần áo kaki đã bạc màu, chiếc quạt nan, đôi dép cao su mòn gót… Từ những điều bình dị ấy, một nhân cách lớn đã tỏa sáng. Nhà thơ Tố Hữu từng viết về Bác:

” Nhà gác đơn sơ, một góc vườn

Gỗ thường mộc mạc, chẳng mùi sơn

Giường mây chiếu cói, đơn chăn gối

Tủ nhỏ vừa treo mấy áo sờn…”.

Đối với Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ, là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, mà còn là người con chí hiếu, người bạn chân thành, người cha già nhân hậu. Bác yêu thương Nhân dân bằng trái tim nồng ấm, vô điều kiện, vượt lên mọi giới hạn về tầng lớp, vùng miền. Tình yêu thương của Người với Nhân dân không phải là sự ban phát từ trên xuống, mà là tình cảm máu thịt, thấm đẫm trong từng suy nghĩ, hành động. Khi bàn về mục tiêu độc lập dân tộc, Người luôn gắn với hạnh phúc của người dân: “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ” (9). Đối với Bác, cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân chính là thước đo cao nhất của độc lập dân tộc.

Và trong bản Di chúc thiêng liêng, điều Người trăn trở đến cuối đời vẫn là “phải chăm lo đời sống của Nhân dân”, phải “bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho thế hệ sau”, phải giữ cho Đảng ta “thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của Nhân dân”. Những lời căn dặn ấy không chỉ thể hiện tâm nguyện cuối đời của một lãnh tụ mà còn là một tấm gương sáng về sự tận tụy, yêu thương và đức hy sinh vô hạn.

Có thể thấy, đạo đức Hồ Chí Minh là kết tinh rực rỡ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn cao cả. Đó là tài sản tinh thần vô giá mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta nguyện suốt đời học tập, làm theo, là ngọn đèn soi sáng cho con đường phát triển bền vững của đất nước.

Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bản anh hùng ca vĩ đại về sự hy sinh, tận hiến cho độc lập dân tộc, cho tự do và hạnh phúc của Nhân dân. Người không chỉ làm nên lịch sử mà còn để lại di sản tinh thần vô giá cho dân tộc Việt Nam. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sẽ luôn là ánh sáng dẫn đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

Theo hdll.vn

 

________________

(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội – 2011, t.4, tr.187

(2) Trần Dân Tiên – Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Trẻ – Nxb CTQG, H. 2005, tr. 14

(3) Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, t.4, tr.3

(4) Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội – 1993, t.1, tr.94.

(5) Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, t.5, tr. 326

(6) Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, t.15, tr. 623

(7) Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, t.11, tr. 612

(8) Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, t.15, tr. 672

(9) Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, t.4, tr. 175

Bài viết cùng chủ đề:

Bài viết mới cập nhật: