Kỳ tuyển sinh đang đến gần, vấn đề chọn ngành học và định hướng nghề nghiệp là mối quan tâm hàng đầu của các học sinh và phụ huynh. Từ góc nhìn của những người làm công tác giáo dục, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa và TS Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đã chia sẻ nhiều ý kiến hữu ích, giúp các bạn học sinh có cái nhìn đúng đắn hơn về việc lựa chọn ngành nghề.
Chọn ngành nghề không chỉ theo đam mê
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh nhận định, trong thời đại công nghệ thay đổi liên tục như hiện nay, rất nhiều học sinh lo lắng về việc chọn ngành nghề liệu có bị lỗi thời sau vài năm học đại học hay không. Thầy cho biết: “Chính bản thân tôi cũng thường xuyên nhận được câu hỏi về việc ngành nghề nào sẽ xuất hiện, ngành nghề nào sẽ biến mất, hay liệu sau khi học xong, trong 5 hoặc 6 năm tới ra trường, em có tìm được việc làm phù hợp không, nhất là khi các ngành nghề không ngừng chuyển đổi”. Tuy nhiên, thầy khẳng định: “Công nghệ không phải là kẻ thù của nghề nghiệp. Công nghệ, kể cả trí tuệ nhân tạo (AI), đều do con người phát triển và kiểm soát, chức năng chính là hỗ trợ, chứ không thể thay thế hoàn toàn con người. Chính vì vậy, người không biết sử dụng công nghệ, không cập nhật kiến thức sẽ bị thay thế bởi những người biết và làm chủ công nghệ”.
Theo thầy Khánh, khi bước chân vào đại học, các em học sinh cần nhìn nhận một cách toàn diện hơn về việc chọn ngành nghề. Không chỉ theo đuổi đam mê, học sinh cần cân nhắc cả năng lực cá nhân và nhu cầu xã hội. “Ví dụ, cá nhân tôi từng thích trở thành phi công, nhưng sau khi trải nghiệm thực tế kiểm tra sức khoẻ, tôi nhận ra bản thân không đủ điều kiện thể chất. Vì vậy, tôi lựa chọn học ngành kỹ thuật hàng không thay vì làm phi công”, thầy Khánh chia sẻ. Điều này minh chứng rằng bên cạnh sở thích còn phải cân nhắc khả năng thực tế của bản thân.
Đặt ngành học lên trước tên trường
Trước hết, cả phụ huynh và học sinh cần tự trả lời một câu hỏi quan trọng: Học để làm gì? Khi đã xác định được mục đích của việc học, việc định hướng nghề nghiệp sẽ trở nên dễ dàng và đúng đắn hơn.
Theo TS Đồng Văn Ngọc, câu trả lời nên là: Học để theo đuổi đam mê, để đạt được những điều mình mong muốn, để có một tương lai ổn định, có thu nhập chính đáng và làm giàu bằng chính công sức của mình. Sau khi trả lời được câu hỏi này, học sinh và phụ huynh cần tiếp tục tìm hiểu và xác định ngành học nào là phù hợp nhất.
Thầy Ngọc chia sẻ một quan điểm rất thực tế và sâu sắc về việc chọn ngành nghề: “Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi cho rằng việc chọn ngành nghề phải được đặt lên trước việc chọn trường, không nên chọn trường trước khi xác định ngành học, bởi vì mỗi trường đều có các ngành đào tạo thế mạnh riêng. Nếu con em chúng ta mong muốn học ngành đó mà chọn nhầm trường không có lợi thế về ngành thì khó đạt được mục tiêu. Do vậy, việc lựa chọn ngành học phù hợp là hết sức quan trọng”.
Theo thầy Ngọc, để lựa chọn ngành học đúng đắn, học sinh cần tự đánh giá và hiểu rõ năng lực, sở thích cũng như những hạn chế của bản thân. Phụ huynh nên đồng hành, hỗ trợ và tư vấn, giúp con tự nhận ra điểm mạnh, điểm yếu, từ đó đưa ra quyết định sáng suốt và phù hợp nhất.
Vai trò của phụ huynh trong định hướng nghề nghiệp
Việc đồng hành cùng con trong quá trình định hướng và lựa chọn ngành nghề sẽ giúp học sinh tự tin hơn và không cảm thấy cô đơn khi đối diện với những quyết định lớn trong cuộc đời. Theo thầy Ngọc, “trong thực tế, vào mỗi mùa thi, nhiều bậc phụ huynh thường kỳ vọng rất cao, thậm chí lấy kỳ vọng của gia đình, dòng họ đặt lên con em mình, ép các cháu học ngày học đêm. Tuy nhiên, mỗi người đều có những giới hạn năng lực nhất định; ai cũng mong con học giỏi toàn diện các môn nhưng trên thực tế, khó có ai đáp ứng hết các tiêu chí đó. Vậy nên, tôi mong muốn và khuyến nghị quý phụ huynh hãy đồng hành cùng con, cùng nhau xây dựng lộ trình tương lai phù hợp, tôn trọng ước mơ, mong muốn của các cháu”.
Việc tạo môi trường học tập thoải mái, giúp con tự do lựa chọn ngành nghề phù hợp sẽ giúp các em phát huy tối đa năng lực của mình. Chính vì vậy, giai đoạn này, phụ huynh cần đóng vai trò đồng hành, tư vấn thay vì áp đặt trong quá trình hướng nghiệp. Thầy Ngọc đưa ra ví dụ cụ thể, “nếu muốn trở thành nhà giáo nhưng phát âm chưa tốt, nói ngọng thì đó là một hạn chế rõ ràng cần được cân nhắc. Nếu mong muốn học ngành y nhưng lại sợ máu, không chịu được khi chứng kiến các tình huống phẫu thuật thì chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Đây chính là những sở đoản, tức là các điểm hạn chế cá nhân, phụ huynh và học sinh cần nhận diện để lựa chọn phù hợp với năng lực và mong muốn thực tế”.
Lựa chọn đúng – Thành công bền vững
Chọn ngành nghề không chỉ là một quyết định nhất thời mà còn là một quá trình tự nhận thức và định hướng bản thân. Đứng trước mùa tuyển sinh – một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời, học sinh cần trang bị cho mình khả năng tự đánh giá năng lực, sở thích và dự đoán nhu cầu của xã hội. “Tôi xin khẳng định lại, bên cạnh năng lực học tập, yếu tố đạo đức, hành vi, kỹ năng mềm là hết sức quan trọng, tạo nên dấu ấn và điểm nhấn đối với không chỉ người sử dụng lao động mà còn trong quá trình làm việc với đồng nghiệp”, thầy Khánh nhấn mạnh đây mới là yếu tố then chốt đảm bảo sự thành công bền vững trong tương lai.
Trong một thế giới luôn biến động, lựa chọn ngành nghề không chỉ là quyết định cho hiện tại mà còn là bước đi dài hạn cho tương lai. Điều quan trọng nhất là học sinh cần hiểu rõ mong muốn, năng lực của bản thân và dự đoán xu hướng xã hội để đưa ra lựa chọn đúng đắn. Đừng để áp lực xã hội hay kỳ vọng gia đình làm lu mờ ước mơ của mình, bởi chỉ khi theo đuổi con đường phù hợp, các em mới có thể chạm đến thành công bền vững.
Tường Minh (chinhphu.vn)