Phát triển ngoại giao kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên mới

3 lượt xem

Ngoại giao kinh tế là trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, là động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững. Ngoại giao kinh tế cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao văn hóa là ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, gắn bó và tác động lẫn nhau.

Định hướng xây dựng ngoại giao kinh tế trong kỷ nguyên mới được Đại hội XIII của Đảng xác định rõ, “Xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”. Sau hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW (10/8/2022) của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế, hoạt động ngoại giao kinh tế đã đóng góp quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các đối tác.

1. Ngoại giao kinh tế trong bối cảnh kỷ nguyên mới 

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định ngoại giao kinh tế là một trong hai trụ cột then chốt (cùng với ngoại giao biển đảo) của định hướng đối ngoại Việt Nam trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ngoại giao kinh tế đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập quốc tế. Ngoại giao kinh tế giúp khơi dậy động lực bên trong, mở triển vọng phát triển mới, góp phần tạo bước nhảy vọt về tăng trưởng kinh tế bền vững, duy trì sự phát triển lành mạnh, ổn định của nền kinh tế toàn cầu và ứng phó với các thách thức toàn cầu mới. Ngoại giao kinh tế tập trung vào mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua các hoạt động thương mại tự do FTA đã ký, đồng thời thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI.

Trong gần 40 hoạt động đối ngoại cấp cao (1986-2024), ngoại giao kinh tế đã tích cực hỗ trợ kết nối, xúc tiến, quảng bá, tháo gỡ rào cản thương mại, thúc đẩy các hướng đi mới, mở rộng thị trường cho các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp. Ngoại giao kinh tế tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm chính, đó là:

Thứ nhất, củng cố các động lực tăng trưởng truyền thống để mở rộng cơ hội xuất khẩu và thu hút đầu tư chất lượng cao, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới. Rà soát, đôn đốc, triển khai các cam kết, thoả thuận quốc tế trong các hoạt động đối ngoại;

Thứ hai, tăng cường hiệu quả, đổi mới sáng tạo trong công tác nghiên cứu, tham mưu, thông tin dự báo. Chủ động nghiên cứu, đánh giá và dự báo tình hình kinh tế quốc tế; đưa các hoạt động ngoại giao kinh tế gắn kết chặt chẽ với sự phát triển của địa phương, doanh nghiệp;

Thứ ba, nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế và vai trò điều phối của Ban Chỉ đạo ngoại giao kinh tế. Tiếp tục tổ chức hiệu quả việc quán triệt, rà soát, đôn đốc thực hiện, sơ kết, tổng kết các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, của Bộ về công tác ngoại giao kinh tế…

Hoạt động ngoại giao kinh tế đã góp phần đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 786,29 tỷ USD năm 2024 (tăng 15,4% so với năm 2023), trong đó xuất siêu 24,77 tỷ USD. Thu hút FDI đạt hơn 38 tỷ USD trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu bị thu hẹp. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, công tác ngoại giao kinh tế đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, từng bước trở thành nhiệm vụ cơ bản, trung tâm, đóng góp tích cực vào các kết quả phát triển kinh tế – xã hội đất nước, với 3 kết quả nổi bật:

Một là, việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện ngoại giao kinh tế được triển khai kịp thời, bài bản hơn. Chính phủ lần đầu tiên ban hành Chương trình hành động về ngoại giao kinh tế để thực hiện Chỉ thị 15 của Ban Bí thư; các bộ, ngành, địa phương tích cực ban hành kế hoạch hành động để cụ thể hóa Chỉ thị 15 của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ.

Công tác phối hợp triển khai ngoại giao kinh tế được tăng cường, đổi mới; tích cực tham mưu, thiết lập các cơ chế phối hợp liên ngành như: Ban chỉ đạo Quốc gia về bán dẫn, Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2023-2026 giữa Bộ Ngoại giao với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch hợp tác thu hút du lịch kiều bào giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…

Hai là, ngoại giao kinh tế tiếp tục đóng góp quan trọng trong duy trì cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước. Nội dung kinh tế tiếp tục là trọng tâm trong gần 60 hoạt động đối ngoại Cấp cao với nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác kinh tế được ký kết. Quan hệ đối ngoại và hợp tác kinh tế được mở rộng; các khuôn khổ quan hệ với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện được củng cố, mở rộng, nâng tầm, nâng cấp. Trong giai đoạn 2023-2024, Việt Nam đã nâng tầm, nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với 4 đối tác lớn là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia với nhiều nội hàm hợp tác quan trọng như khoa học công nghệ, bán dẫn, ODA thế hệ mới, kinh tế xanh, kinh tế số…

Ba là, ngoại giao kinh tế đóng góp trực tiếp vào các kết quả tích cực của kinh tế đối ngoại và hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế. Ngoại giao kinh tế đã tích cực hỗ trợ xúc tiến, quảng bá, tháo gỡ rào cản thương mại, thúc đẩy các hướng đi mới như phát triển ngành Halal, qua đó mở rộng thị trường cho các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp. Tiếp tục tranh thủ tối đa lợi thế mạng lưới 16 FTA đã ký với 60 đối tác, thúc đẩy đàm phán nâng cấp nhiều FTA hiện hành và tăng tốc đàm phán FTA với các đối tác mới; tích cực tham mưu, thúc đẩy đầu tư, thu hút nguồn lực để phát triển các ngành mới, đột phá.

Thành tựu nổi bật nhất trong công tác ngoại giao kinh tế đó là ngoại giao vắc-xin là điểm sáng nhất, đạt kết quả vượt kỳ vọng, đóng góp quan trọng vào công cuộc phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Chiến dịch ngoại giao vắc-xin là chiến dịch ngoại giao quy mô và chưa có tiền lệ trong lịch sử, đóng góp vào thành công của Chiến lược vắc-xin của Chính phủ, giúp Việt Nam đi sau, về trước trong tiêm chủng vắc-xin, tạo cơ sở quan trọng và có ý nghĩa quyết định để Việt Nam chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh và phục hồi kinh tế.

Ngoại giao kinh tế đóng góp tích cực vào đẩy mạnh hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế. Tích cực vận động, thu hút các nguồn lực phục vụ các động lực tăng trưởng mới, các nguồn tài chính xanh, đầu tư phục vụ chuyển đổi năng lượng, công nghệ cao. Việt Nam ký kết Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP – Just Energy Transition Partnership) với nhóm các nước G7 và châu Âu có nguồn đầu tư ban đầu trị giá 15,5 tỷ USD ngày 18/11/2024.Thu hút thành công các dự án đầu tư xanh và công nghệ cao như dự án nhà máy trung hòa các-bon đầu tiên trên thế giới trị giá 1,3 tỷ USD của Tập đoàn Lego, đầu tư vào Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển trị giá 220 triệu USD của Tập đoàn Samsung… Bộ Ngoại giao tích cực thúc đẩy triển khai và hỗ trợ thiết lập các khuôn khổ hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế với 17 FTA đang thực thi, tiếp tục thúc đẩy đàm phán các FTA với khối EFTA, UAE, MERCOSUR.

2. Mục tiêu ngoại giao kinh tế trong thời gian tới. 

Công tác ngoại giao kinh tế hiện đang đứng trước rất nhiều khó khăn. Bối cảnh trong nước và quốc tế đang đối diện với nhiều thách thức. Bên ngoài, kinh tế thế giới phục hồi chậm; căng thẳng địa chính trị gia tăng, xu hướng chính trị hóa hợp tác kinh tế tiếp tục lan rộng; tình trạng phân hóa, phân mảnh, đứt gãy các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng. Ở trong nước, sức ép lạm phát cao; tình hình sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn những khó khăn, điểm nghẽn, nhất là về thị trường, tiếp cận vốn, chi phí. Nguồn nhân lực chất lượng cao hạn chế đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực mới nổi. Thủ tục hành chính một số lĩnh vực rườm rà. Cơ chế, chính sách chậm được sửa đổi. Hạ tầng chiến lược trong một số lĩnh vực hạn chế.

Mục tiêu ngoại giao kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới sẽ tập trung vào những nội dung chính sau:

Một là, tăng cường quan hệ ngoại giao kinh tế và hợp tác quốc tế: Việt Nam tiếp tục mở rộng quan hệ ngoại giao kinh tế với các quốc gia và khu vực khác, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển nhanh như Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ. Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các quốc gia và khu vực khác nhau giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế. Đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như khoa học công nghệ, giáo dục, y tế và nông nghiệp giúp Việt Nam tiếp thu các công nghệ tiên tiến và kiến thức mới, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đào tạo và nâng cao kỹ năng cho đội ngũ cán bộ ngoại giao để họ có thể đàm phán hiệu quả và quản lý các mối quan hệ quốc tế một cách chuyên nghiệp. Tập trung đào tạo các cán bộ ngoại giao kinh tế chuyên sâu về các lĩnh vực liên quan đến thương mại và đầu tư quốc tế. Bên cạnh đó, đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng như cảng biển, sân bay, hệ thống giao thông và viễn thông để tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và hợp tác quốc tế. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng hiện đại để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và logistics, giúp giảm chi phí vận chuyển và tăng hiệu quả kinh doanh

Hai là, chú trọng phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững. Tập trung vào phát triển các ngành kinh tế xanh như năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường. Áp dụng các công nghệ mới và xanh vào sản xuất và tiêu dùng, sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, vật liệu tái chế và các quy trình sản xuất sạch hơn. Phát triển hệ thống giao thông công cộng hiệu quả. Khuyến khích sử dụng xe điện và xe đạp để giảm lượng khí thải từ phương tiện giao thông. Tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên và chất thải một cách hiệu quả, bao gồm việc tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đưa ra các chính sách và quy định hỗ trợ cho các doanh nghiệp và dự án xanh, như các khoản trợ cấp, ưu đãi thuế và các chương trình hỗ trợ tài chính.  Tham gia các hiệp định và tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững để chia sẻ kinh nghiệm và tiếp cận các nguồn lực quốc tế.

Ba là, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Xây dựng khung pháp lý minh bạch, ổn định để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài và thúc đẩy hoạt động thương mại. Tạo điều kiện môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp trong đầu tư và phát triển bằng cách đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm bớt giấy tờ và thời gian xử lý. Áp dụng công nghệ thông tin để tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong việc giải quyết các thủ tục. Xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến kinh doanh giúp doanh nghiệp có niềm tin và yên tâm đầu tư. Bên cạnh đó, cung cấp các chương trình hỗ trợ tài chính, ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp họ tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Đầu tư vào hạ tầng giao thông, điện, nước và viễn thông để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và thu hút đầu tư. Hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất để nâng cao năng suất và cạnh tranh. Các doanh nghiệp nên tạo môi trường làm việc khuyến khích sáng tạo, cho phép nhân viên có không gian và thời gian để thử nghiệm các ý tưởng mới.

Bốn là, đẩy mạnh khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo: Tập trung phát triển công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và công nghệ thông minh (IoT). Cung cấp tài trợ và các chương trình hỗ trợ cho các dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ mới. Các viện nghiên cứu và trường đại học được khuyến khích tạo ra các sáng kiến và phát minh mới. Tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ thông qua các chương trình ưu đãi thuế và các quỹ đầu tư mạo hiểm. Việc tạo lập các vườn ươm khởi nghiệp (incubators) và mạng lưới cố vấn có ý nghĩa rất quan trọng. Đầu tư vào hạ tầng công nghệ như mạng internet tốc độ cao, hệ thống máy chủ hiện đại và các công nghệ hỗ trợ khác để tạo nền tảng cho các ứng dụng công nghệ tiên tiến. Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho các dự án công nghệ và sáng tạo, bao gồm các ưu đãi về thuế, tài trợ và các quy định thuận lợi cho việc phát triển công nghệ. Tận dụng các kênh truyền thông hiện đại và công nghệ số để quảng bá hình ảnh quốc gia và kết nối với các đối tác quốc tế.

3. Giải pháp đẩy mạnh hoạt động ngoại giao kinh tế trong kỷ nguyên mới. 

Để đạt được mục tiêu tăng cường sự phát triển bền vững và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Một số giải pháp đối với hoạt động ngoại giao kinh tế tiếp tục được thực thi, bao gồm:

Thứ nhất, tiếp tục mở rộng quan hệ thương mại. Củng cố quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với các thị trường lớn, chủ chốt và mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chú trọng hơn các thị trường tiềm năng, còn nhiều dư địa hợp tác như UAE, Trung Đông – Châu Phi, thị trường Halal (thị trường Hồi giáo). Tăng cường thương mại với các quốc gia và khu vực khác nhau, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển nhanh. Việt Nam đã và đang mở rộng quan hệ thương mại với nhiều quốc gia trên thế giới thông qua ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các quốc gia và khu vực khác nhau như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, và các nước ASEAN. Việt Nam là thành viên của WTO, APEC, và các tổ chức thương mại khác, giúp mở rộng quan hệ thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ chốt như công nghiệp chế biến, dệt may và nông sản xuất để tăng cường xuất khẩu. Việt Nam đã thực hiện nhiều cải tiến trong hệ thống pháp luật và quy trình hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam. Tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng và trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo và năng lượng xanh. Bảo đảm môi trường chính trị, đầu tư, kinh doanh an toàn, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Để thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam cần tiếp tục cải thiện hệ thống pháp luật và quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cung cấp các ưu đãi thuế như miễn thuế nhập khẩu, giảm thuế doanh thu và giảm thuế vốn điều lệ cho các doanh nghiệp FDI. Phát triển cơ sở hạ tầng như giao thông, điện và nước, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp FDI. Đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng giúp tăng cường niềm tin tưởng của các nhà đầu tư. Việt Nam đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn cho FDI trong khu vực.

Thứ ba, tiếp tục đào tạo và nâng cao năng lực ngoại giao kinh tế. Phát triển kỹ năng và năng lực ngoại giao kinh tế cho các chuyên gia và nhân viên để đảm bảo họ có khả năng đối phó hiệu quả với các thách thức và cơ hội mới. Đào tạo và phát triển kỹ năng cho các nhà ngoại giao và chuyên gia kinh tế, bao gồm các kiến thức về kinh tế quốc tế, đàm phán thương mại và phân tích thị trường. Tích cực tham gia vào các tổ chức kinh tế quốc tế để mở rộng mạng lưới hợp tác và tiếp cận với các thông tin, công nghệ mới. Thường xuyên tổ chức các hội chợ, triển lãm và các sự kiện xúc tiến thương mại để giới thiệu sản phẩm và cơ hội đầu tư của Việt Nam ra thị trường quốc tế. Thành lập các viện nghiên cứu và trung tâm phân tích kinh tế để cung cấp dữ liệu và báo cáo chính xác, hỗ trợ các quyết định chiến lược trong ngoại giao kinh tế. Bên cạnh đó, xây dựng thương hiệu quốc gia, phát triển và quảng bá thương hiệu quốc gia, giúp nâng cao hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ tư, đẩy mạnh tăng cường hợp tác quốc tế. Tham gia tích cực vào các tổ chức và hiệp định kinh tế. Ngoài việc tham gia các hiệp định thương mại quốc tế và các tổ chức quốc tế, Việt Nam cần phát triển các dự án hợp tác song phương và đa phương. Xây dựng và thực hiện các dự án hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, triển lãm và các sự kiện giao lưu văn hóa để thúc đẩy hiểu biết và hợp tác giữa các quốc gia. Phát triển ngoại giao công chúng với việc sử dụng các phương tiện truyền thông và mạng xã hội để quảng bá hình ảnh và văn hóa Việt Nam, tạo sự hiểu biết và thiện cảm với cộng đồng quốc tế. Đầu tư vào nguồn nhân lực ngoại giao như đào tạo và phát triển kỹ năng ngoại giao cho các cán bộ, tăng cường năng lực đàm phán và quản lý các mối quan hệ quốc tế.

Những giải pháp trên không chỉ nhằm giúp nâng cao năng lực ngoại giao kinh tế mà còn đóng góp vào sự thịnh vượng của quốc gia, giúp Việt Nam đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thúc đẩy sự phát triển bền vững và tăng cường vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Tóm lại, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới – giai đoạn phát triển với thế và lực mới, với tầm nhìn và mục tiêu đặt ra cụ thể hơn và khát vọng hơn về phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc; giai đoạn phát triển mang tính bền vững hơn, bao trùm hơn, dựa nhiều hơn vào nâng cao hiệu quả các nguồn lực và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi nhanh, mạnh và khó lường. Chính vì vậy, việc quán triệt sâu sắc các chủ trương, quan điểm, phương châm và định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời phát huy vai trò tiên phong của ngoại giao kinh tế trong thu hút nguồn lực bên ngoài cho thực hiện các đột phá chiến lược nhằm phát triển kinh tế số và kinh tế xanh. Đẩy mạnh huy động nguồn lực của hơn 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài hướng phục vụ phát triển đất nước và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để kiều bào được đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế xã hội Việt Nam. Định hướng này trở thành một chủ thể quan trọng trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian tới.

Phạm Thị Thanh Bình – PGS.TS. Giảng viên cao cấp, Khoa Kinh tế, Đại học Mở, Hà Nội; Email:phamthanhbinh297@yahoo.com.vn; Mobile: 0909929761 (hdll.vn)

__________

Thanh Giang (2024), Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước năm 2024

Mạnh Hùng (2022), Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước

Nguyễn Minh Vũ (2023), Ngoại giao kinh tế đóng góp tích cực cho phát triển đất nước

Ngoc An (2024), Prime Minister mentioned ‘3 strengths’ in economic diplomacy – Vietnam.vn

Tien Dung (2022), Economic diplomacy key in development – Vietnam Economic Times | VnEconomy

Thu Hang (2023), Building and developing the country by promoting economic diplomacy – Vietnam.vn

Duy Linh (2024), Economic diplomacy 2024: Promoting semiconductors and high technology – Vietnam.vn

Bài viết cùng chủ đề:

Bài viết mới cập nhật: