Khi trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ bán dẫn đang tái thiết lập mọi ngành nghề, người đi chậm sẽ bị bỏ lại. Học AI, chọn ngành công nghệ cao – đó chỉ là bước đầu. Làm chủ tương lai đòi hỏi nhiều hơn thế: tư duy mới, năng lực mới, và khát vọng vươn lên không ngừng.
Trong thế giới đang biến đổi không ngừng dưới sức mạnh của công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghiệp bán dẫn đang trở thành hai động lực định hình lại toàn bộ bức tranh kinh tế và xã hội toàn cầu. Tại Việt Nam, sự chuyển động bắt đầu từ các trường đại học – nơi đang nỗ lực đào tạo thế hệ nhân lực mới, không chỉ để bắt kịp thế giới, mà còn để kiến tạo tương lai.
Nhưng liệu chọn ngành công nghệ cao đã đủ để đảm bảo một tương lai bền vững?
Trong kỷ nguyên mà chính công nghệ đang dần thay thế con người, người học cần chuẩn bị gì để không bị tụt lại phía sau?
Con người trong kỷ nguyên AI: Làm chủ hay bị thay thế?
Nỗi lo ngại AI “cướp việc” không còn là giả thuyết xa vời. Từ những công việc sản xuất, văn phòng, đến dịch vụ sáng tạo, AI đang hiện diện ngày một rõ ràng.
Tuy nhiên, theo ThS. Nguyễn Khánh Sơn, giảng viên Khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học CMC, vấn đề không nằm ở sự xuất hiện của AI, mà ở cách con người đối diện với nó.
“Chúng ta không nên xem AI là kẻ thù. Nếu coi nó là đối thủ, chúng ta sẽ tự tay khép lại cánh cửa cơ hội của mình. Nhưng nếu xem AI như một trợ thủ đắc lực, biết cách tận dụng nó để gia tăng năng lực cá nhân, chúng ta sẽ khuếch đại được khả năng gấp nhiều lần. Trong kỷ nguyên AI, không ai có thể tồn tại bằng việc đơn thuần làm theo. Người thành công sẽ là người biết sáng tạo, phản biện, giải quyết vấn đề theo những cách mà máy móc không thể sao chép”.
Thầy Sơn nhấn mạnh, sự chuẩn bị cho tương lai không còn là tích lũy bằng cấp, mà là xây dựng năng lực học hỏi suốt đời, khả năng đổi mới, và sự linh hoạt thích ứng. Sự khác biệt giữa “bị thay thế” và “làm chủ” nằm ở thái độ học hỏi không ngừng.
Các trường đại học Việt Nam trong cuộc đua: Tái thiết đào tạo, kết nối thực tiễn
Nhận thức được thách thức đó, nhiều trường đại học tại Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ, không chỉ dừng lại ở việc mở ngành mới, mà còn tái cấu trúc toàn bộ mô hình đào tạo.
Tại Trường Đại học CMC, sinh viên ngành AI được học theo lộ trình tinh gọn ba năm, với một học kỳ thực tập thực tế dài bốn tháng tại doanh nghiệp công nghệ. Đây không phải những kỳ thực tập hình thức, mà là cơ hội để sinh viên va chạm với thực tiễn nghề nghiệp ngay trên ghế nhà trường.
“Thực tập doanh nghiệp không chỉ giúp sinh viên áp dụng lý thuyết vào thực tế, mà còn buộc các bạn phải rèn luyện kỹ năng mềm, tư duy phản biện, khả năng thích ứng với môi trường làm việc thực sự. Trợ lý đào tạo AI do nhà trường phát triển sẽ đồng hành cùng sinh viên suốt quá trình học, biến AI thành công cụ hỗ trợ chứ không phải đối thủ”, ThS. Nguyễn Khánh Sơn chia sẻ.
Nếu CMC tập trung vào thực chiến và ứng dụng nhanh, thì Trường Đại học Việt Nhật (VJU) lại chọn một chiến lược dài hơi hơn: xây dựng nền tảng tư duy khai phóng và khả năng liên ngành.
Thầy Bùi Huy Kiên, giảng viên chương trình Khoa học và Kỹ thuật Máy tính của VJU, bày tỏ sinh viên VJU không chỉ học để làm, mà học để sáng tạo, học để thay đổi.: “Chúng tôi không đào tạo những kỹ sư chỉ biết một ngôn ngữ lập trình hay một kỹ năng kỹ thuật cụ thể. Chúng tôi đào tạo những con người có nền tảng vững chắc về toán học, lập trình, khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, và trên hết, có khả năng học suốt đời. Khi công nghệ thay đổi, chỉ những người có nền tảng tư duy rộng, khả năng kết nối liên ngành mới đủ sức tạo ra cái mới, thay vì chỉ sử dụng cái có sẵn”.
Ở quy mô chiến lược quốc gia, Học viện Kỹ thuật Quân sự đang đặt những viên gạch đầu tiên cho tham vọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm nguồn nhân lực công nghệ cao của khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn – nền tảng không thể thiếu cho AI và các công nghệ số khác.
Thiếu tướng, GS.TS Trần Xuân Nam, Phó Giám đốc Học viện, chia sẻ đầy tâm huyết: “Muốn tham gia chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu, chúng ta phải chuẩn bị bài bản ngay từ bây giờ. Các trường đại học Việt Nam cần trở thành trung tâm kết nối nguồn nhân lực công nghệ cao. Mô hình liên kết giữa đại học – trung tâm đổi mới sáng tạo – doanh nghiệp công nghệ lớn sẽ giúp chúng ta tiếp cận được công nghệ mới nhất, từ đó đào tạo ra những kỹ sư có khả năng tham gia trực tiếp vào thiết kế, sản xuất, nghiên cứu công nghệ lõi”.
Ông nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu đó, cần sự đầu tư đồng bộ vào chương trình đào tạo, giáo trình hiện đại, phòng thí nghiệm tiên tiến và quan trọng hơn cả, là sự gắn kết sâu rộng với hệ sinh thái công nghệ quốc tế.
Đã qua rồi thời kỳ chọn một ngành “hot” là đủ để đảm bảo tương lai
Trong thế giới mà AI và công nghệ cao đang tái định nghĩa mọi ngành nghề, bằng cấp chỉ là vé vào cửa. Điều quyết định ai thành công sẽ là:
Năng lực tư duy độc lập; Khả năng sáng tạo liên tục; Tinh thần học hỏi suốt đời; Khả năng kết nối và thích nghi với môi trường công nghệ biến đổi không ngừng.
Thiếu tướng, GS.TS Trần Xuân Nam trăn trở: “Chúng ta không thể chỉ đào tạo kỹ sư biết làm theo. Chúng ta cần đào tạo những kỹ sư biết sáng tạo, biết nghiên cứu, biết kết nối và vươn ra thế giới. Chỉ khi đó, Việt Nam mới thực sự có chỗ đứng trong cuộc chơi công nghệ toàn cầu”.
Và mỗi người trẻ, mỗi sinh viên hôm nay, nếu chuẩn bị đủ năng lực ấy, sẽ không chỉ tồn tại – mà còn vươn mình trở thành những người dẫn dắt tương lai.
Tương lai sẽ không đợi.
Tương lai chỉ thuộc về những ai sẵn sàng hành động ngay hôm nay.
Tuệ Lâm (chinhphu.vn)