Vang mãi anh hùng ca Đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước

16 lượt xem

Đại thắng mùa Xuân 1975 là chiến công chói lọi, là thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng.

Năm nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta long trọng kỷ niệm 50 năm Ngày Đại thắng mùa xuân, Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025), trang vàng chói lọi của lịch sử dân tộc Việt Nam, một sự kiện trọng đại biến ước mơ ngàn đời của nhân dân ta về độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, phát triển phồn vinh, văn minh, hạnh phúc trở thành hiện thực.

Đại thắng mùa Xuân 1975 là chiến công chói lọi, là thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Ta đã đánh bại hoàn toàn quân đội Ngụy trên 1 triệu tên, do Mỹ tổ chức, huấn luyện, nuôi dưỡng và trang bị các phương tiện vũ khí hiện đại cùng với hệ thống phòng thủ, bố trí chiến lược hoàn chỉnh. Trong cuộc chiến tranh này, đế quốc Mỹ đã tiêu tốn tới 676 tỷ USD (tính từ năm 1954 – 1975); nếu so với Chiến tranh thế giới thứ nhất là 25 tỷ USD; Chiến tranh thế giới thứ hai là 341 tỷ và Chiến tranh ở Triều Tiên là 54 tỷ, thì chi phí của Mỹ cho cuộc chiến tranh tại Việt Nam là một con số khổng lồ. Trong 9 năm trực tiếp đưa quân tham chiến tại miền Nam Việt Nam, có khoảng gần 58 nghìn lính Mỹ đã thiệt mạng: Đây là thất bại to lớn của đế quốc Mỹ.

Đại thắng mùa Xuân 1975 có tầm vóc to lớn cả về quân sự và chính trị, cả về không gian và lực lượng, trong một thời gian ngắn, chỉ 55 ngày lại ít tổn thất, gây bất ngờ đến kinh hoàng đối với quân đội Mỹ – Ngụy và sự ngạc nhiên đến sửng sốt trên trường quốc tế. Điều đó thể hiện sâu sắc tài thao lược, nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh xuất sắc của Đảng ta trong việc tổ chức lực lượng xây dựng thế trận, tạo và nắm bắt thời cơ, hạ quyết tâm cho trận quyết chiến chiến lược để giành thắng lợi trọn vẹn. Điều đó phản ánh nghị lực phi thường của quân đội ta, nhân dân ta, khẳng định ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc ta.

Sự kiện thống nhất đất nước đã mở ra thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam, kết thúc oanh liệt quá trình 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, bắt đầu từ Cách mạng Tháng Tám, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa đế quốc trên đất nước ta, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, bảo vệ và phát triển công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đập tan ách thống trị của thực dân cướp nước và bè lũ bán nước ở miền Nam, đưa tới kết quả vô cùng tự hào, đất nước Việt Nam mãi mãi thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã thực hiện trọn vẹn ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc mà Người để lại: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”.

Đánh giá về tầm vóc và ý nghĩa của sự kiện lịch sử đó, Đại hội lần thứ IV của Đảng đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất. Một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đã đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”[1]. Ghi tạc cụ thể hơn về trang sử huy hoàng của Đại thắng mùa xuân 1975 có thể nêu một số nội dung sau:

I. Ý chí độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. 

Ý chí độc lập dân tộc, thống nhất đất nước là giá trị cốt lõi nhất trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Dân tộc Việt Nam rất yêu hòa bình, hiền hòa, mến khách và luôn nghĩa tình, hữu nghị. Vì muốn sống trong hòa bình, chúng ta luôn tìm mọi cách để hòa hiếu, giải quyết các mâu thuẫn bằng phương pháp thương lượng hòa bình. Nhưng dân tộc ta không bao giờ khuất phục trước những thế lực hiếu chiến, hung bạo muốn cướp nước ta. Bởi vậy có biết bao kẻ ôm mộng bá chủ thế giới, khi đã chiếm hết nước này, nước khác nhưng mỗi lần xâm lược nước ta đều chịu thất bại nặng nề. Từ đế quốc Nguyên – Mông hùng mạnh từng đánh chiếm 2/3 đại lục Á – Âu, đến các thế lực phong kiến phương Bắc và những thực dân đế quốc hùng mạnh đều thất bại thảm hại trên đất nước ta. Các chiến công chói sáng như Bạch Đằng (các năm 938, 981,1288); Như Nguyệt (1077); Đông Bộ Đầu (1285); Tốt Động – Chúc Động (1426); Chi Lăng – Xương Giang (1427); Ngọc Hồi – Đống Đa (1789); Điện Biên Phủ (1954) và Đại thắng mùa Xuân 1975 trở thành cột mốc lịch sử và là bản hùng ca về ý chí quật cường của dân tộc vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

Kế thừa truyền thống yêu nước, ý chí độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, từ lúc bôn ba trên đường cứu nước, Bác Hồ đã có ước vọng và quyết tâm sắt đá: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những gì tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”[2] (12-1920), đến “chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[3] (1-1946) “ Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”[4]; “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”[5]; “Đấu tranh cho thống nhất là con đường sống của nhân dân Việt Nam”[6]. Và trong Di chúc của Người đã khẳng định “Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”[7]. Khát vọng độc lập, tự do và thống nhất đất nước là một trong những nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, Đảng ta đã đưa ra những chủ trương, quyết sách cụ thể huy động mọi nguồn lực của ý chí thống nhất đất nước và khát vọng hoà bình của muôn triệu người Việt Nam, đã lãnh đạo quân và dân cả nước giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

II. Đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” là thắng lợi của nhân dân ta đối với bọn cướp nước và bè lũ bán nước. 

Tổng thống Pháp Ph. Mit-tơ-răng trong dịp sang thăm chính thức Việt Nam tháng 2-1993, khi trả lời các nhà báo, đã nhận xét: “Ông Hồ Chí Minh đã tìm kiếm những người đối thoại nhưng không tìm được. Dù rất mong muốn đàm phán để hướng tới độc lập, ông Hồ Chí Minh đã bị đẩy vào chiến tranh”.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta chủ trương chuyển cuộc đấu tranh của nhân dân ta từ đấu tranh quân sự sang đấu tranh chính trị, đồng thời ký hiệp định Giơ-ne-vơ, phấn đấu giữ vững hòa bình, tiến tới thống nhất đất nước, thực hiện độc lập, tự do trong cả nước.

Tuy nhiên, Đế quốc Mỹ quyết tâm thực hiện mưu đồ chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của chúng. Vì vậy, Mỹ trắng trợn phá hoại hiệp định Giơ-ne-vơ, hất cẳng Pháp để nhảy vào xâm lược miền Nam Việt Nam. Mỹ từng bước đưa quân đội, vũ khí trang bị, lập căn cứ quân sự và thiết lập, nuôi dưỡng Chính quyền tay sai để cùng thực hiện mưu đồ biến miền Nam Việt Nam là tiền đồn của Mỹ ở Đông Nam Á. Giữa năm 1956, Ngô Đình Diệm tuyên bố lập nước “Việt Nam Cộng hòa”, từ chối hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, phục tùng tuyệt đối làm tay sai cho Mỹ. Mỹ-Diệm dùng mọi thủ đoạn tàn ác nhất đàn áp phong chào kháng chiến của ta. Chúng phát động chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” với khẩu hiệu “tiêu diệt cộng sản tận gốc”, “thà giết nhầm hơn bỏ sót”, lê máy chém khắp vùng miền để chém giết những người cộng sản, những người kháng chiến và những người không hợp tác với chúng.

Đối đầu chiến tranh tàn bạo của Mỹ – Diệm, nhân dân miền Nam sống trong cùm kẹp, gặp bao cảnh đau thương, mất mát. Tháng 5 năm 1959, Ngô Đình Diệm ra đạo luật phát xít 10/59, thẳng tay giết hại biết bao chiến sĩ, đồng bào yêu nước “Tiếng máy chém đầu vang trong ánh thép, nhân dân quằn quại dưới xiềng gông, đạn bom rơi, xác ngã chất chồng”[8]. Tính từ cuối năm 1954 đến năm 1959, địch đã bắt giam 466.000 người, giết hại 68.000 người, điển hình là vụ thảm sát Phú Lợi ngày 01-12-1958, địch đầu độc 6.000 tù nhân yêu nước, giết hại 1.000 người và làm 4.000 người khác trúng độc nặng. Thực tế là các thế lực Mỹ – Nguỵ đã thực hiện cuộc chiến tranh chống lại nhân dân ta. Chính quyền Sài Gòn còn hò hét “lấp sông Bến Hải”, “Bắc tiến”, “giải phóng cố đô”…

Như vậy đủ thấy tội ác của đế quốc Mỹ và bọn tay sai Ngô Đình Diệm và các chính quyền của Ngụy về sau là “trời không dung, đất không tha”, buộc chúng ta phải hành động. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành đến thắng lợi cuối cùng thực chất là đánh tan bọn giặc cướp nước và bè lũ bán nước, là “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” như lời Bác Hồ đã từng chỉ giáo.

III. Cội nguồn của thắng lợi 

Thời gian càng lùi xa cùng với những trải nghiệm “trông Bắc, trông Nam, trông cả địa cầu” từ thực tiễn, chúng ta càng hiểu sâu sắc hơn về tầm vóc, ý nghĩa to lớn và giá trị trường tồn của Đại thắng mùa Xuân 1975. Thắng lợi trọn vẹn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của chúng ta không chỉ là đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, đất nước vĩnh viễn thống nhất, mà còn phá tan xiềng xích của chủ nghĩa thực dân kiểu mới, giúp cho các dân tộc bị áp bức thoát khỏi gông xiềng của đế quốc. Những nhân tố làm nên chiến thắng hào hùng có ý nghĩa to lớn đối với nước ta và trường quốc tế là:

Thứ nhất, đường lối chiến lược và sự chỉ đạo tài tình của Đảng và Nhà nước ta.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với đỉnh cao là Đại  thắng mùa Xuân 1975 là chặng đường chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là biểu tượng sáng ngời của bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, đặc biệt là kết quả của đường lối cách mạng độc lập tự chủ, đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng ta đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lãnh đạo toàn dân thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ở miền Nam, hướng tới mục tiêu thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đường lối đúng đắn và sáng tạo đó đã phản ánh lợi ích chính đáng và đáp ứng nguyện vọng tha thiết của các tầng lớp nhân dân trong cả nước tạo nên sức mạnh tổng hợp để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, lập nên những kỳ tích trong việc xây dựng hậu phương vững chắc ở miền Bắc và đấu tranh thắng lợi ở miền Nam.

Thứ hai, phát huy mạnh mẽ sức mạnh gắn kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, toàn thể dân tộc Việt Nam đã kết thành một khối thống nhất quy tụ được tất cả các thành phần dân tộc, tôn giáo, giai cấp, đảng phái từ Bắc chí Nam thực hiện “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”, tạo nên sức mạnh tổng hợp thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, hậu phương vững chắc và đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống Mỹ, Nguỵ ở miền Nam. Độc lập, tự do, thống nhất đất nước là lẽ sống, là “mục tiêu, lý tưởng của toàn dân tộc, nhân dân hai miền Nam – Bắc kết thành một khối đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh để chiến đấu và kiến thiết, phát huy cao độ truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sáng tạo các hình thái chiến tranh nhân dân, giành thắng lợi từng bước, tiến tới thắng lợi hoàn toàn chủ nghĩa thực dân đế quốc, đưa cả nước thống nhất bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thứ ba, sự phát triển vượt bậc của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Nghệ thuật quân sự Việt Nam đã phát triển không ngừng để đáp ứng yêu cầu chiến lược và chiến thuật trong từng giai đoạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, luôn quán triệt sâu sắc tư tưởng tiến công, tích cực, chủ động, linh hoạt, kiên quyết và liên tục. Tiến công địch trong mọi lúc, mọi nơi bằng sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng, mọi phương thức và phương tiện đấu tranh, lấy tiến công và phản công là chủ yếu, phát huy yếu tố chủ động, bất ngờ, đánh trúng, đánh hiểm, tạo đột biến về chiến lược, giành toàn thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Trận quyết chiến chiến lược mùa Xuân 1975 đánh dấu bước phát triển mới hết sức rực rỡ của nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong điều kiện hiện đại, đặc biệt là nghệ thuật điều hành chiến tranh ở giai đoạn kết thúc, nghệ thuật tổ chức và chỉ đạo thực hành những trận then chốt quyết định, đưa kháng chiến đến toàn thắng”[9].

Thứ tư, kết hợp hiệu quả sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cùng với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng đã tăng cường tình đoàn kết hữu nghị quốc tế, tranh thủ được sự ủng hộ vật chất và tinh thần của nhân dân tiến bộ yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa anh em và cả nhân dân Mỹ. Đạt được kết quả như vậy vì cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ là tuyến đầu của các cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Ý chí thống nhất tổ quốc và khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam hòa quyện với yếu tố thời đại đã giúp cho sức mạnh của dân tộc ta được tăng cường, góp phần tạo thêm sức mạnh ngày càng to lớn của cách mạng Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ.

Chính vì thế, tại các nước phương Tây và tại Mỹ, nhiều báo đã tường thuật diễn biến chiến sự, ca ngợi chiến thắng của dân tộc Việt Nam và đưa ra những bình luận bi thảm của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Tờ New York cho rằng: “Việc Mỹ dính líu vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam là một sự hy sinh vô ích về sinh mạng và tiền của người Mỹ và là một chương bi thảm trong lịch sử Mỹ”.

Từ những nội dung nêu trên có thể khẳng định rằng Đại thắng mùa Xuân 1975 Thống nhất đất nước là mốc son sáng chói trong lịch sử hào hùng của dân tộc. Chính ý chí độc lập dân tộc và khát vọng hòa bình đã tạo ra sức mạnh vô song đưa nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn thử thách để chiến thắng mọi kẻ thù. Lấy khối đại đoàn kết toàn dân tộc là sức mạnh tổng hợp, thế trận lòng dân là thành lũy vững chắc, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đồng lòng chung sức, quyết tâm xây dựng Tổ quốc ngày càng vững mạnh, bảo vệ Tổ quốc ngày càng vững chắc, đưa đất nước ta vững bước vào kỷ nguyên mới vươn mình của dân tộc, phát triển, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc./.

GS, TS Vũ Văn Hiền (hdll.vn) 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (1976), trích trong: Văn kiện Đảng, Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, T.37, tr 457.

[2] Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, T.1, tr.112.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, T.4, tr.187.

[4], 5, 6  Hồ Chí Minh, Sdd, tập 11, tr.264; tập 15, tr.627; tập 11, tr. 272.

[7] Hồ Chí Minh, Sdd, tập 15, tr. 623.

[8] Viễn Phong: Văn bia Đền thờ liệt sĩ Bến Dược

[9] Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, NXB Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.1000

Bài viết mới cập nhật: