Hiện nay, nhiều người bị lừa đảo và tìm kiếm sự trợ giúp trên mạng xã hội để thu hồi tiền đã mất. Tuy nhiên, điều này lại vô tình trở thành mục tiêu nhắm tới của các đối tượng lừa đảo. Với “kịch bản” cam kết lấy lại toàn bộ tiền bị lừa, các đối tượng khiến nhiều nạn nhân “mắc bẫy” lần hai.
Tất cả chỉ là cái bẫy
Tháng 3 vừa qua, bà V.T.T. (Hà Nội) bị lừa mất hơn 50 triệu đồng qua một ứng dụng mua hàng trên mạng dưới hình thức nạp tiền để nhận hàng khuyến mãi có giá trị lên đến 300 triệu đồng.
“Đây là số tiền tiết kiệm của tôi. Khi biết mình bị lừa, tôi rất hoang mang, sợ chồng con biết. Do đó, tôi thử tìm trên mạng xem có ai giúp được mình không”, bà V.T.T. chia sẻ.
Ngay lập tức, hàng loạt tài khoản liên hệ đề nghị hỗ trợ thu hồi tiền đã mất cho bà. Tuy nhiên, lần này, bà V.T.T. tiếp tục mắc bẫy lừa đảo hơn 10 triệu đồng.
Đây là thủ đoạn không mới nhưng các đối tượng lừa đảo lợi dụng tâm lý hoang mang, thiếu tìm hiểu, nóng lòng thu hồi tiền đã mất của người bị hại để tiếp cận, lừa họ thêm lần nữa.
Theo Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an, thủ đoạn phổ biến hiện nay là kẻ gian lập nên những tài khoản trên mạng xã hội chạy quảng cáo để tiếp cận người dân với lời giới thiệu có thể hỗ trợ lấy lại tiền treo, tiền đã đầu tư trên mạng nhưng chưa rút được về hoặc tiền đã bị lừa đảo chiếm đoạt.
Để thực hiện hành vi trên, các đối tượng giả danh các cơ quan bảo vệ pháp luật như Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an; các cơ quan báo chí uy tín như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh hay các văn phòng, đoàn luật sư… đăng tin cảnh báo các hình thức lừa đảo qua mạng, đề nghị người dân liên hệ sau khi bị lừa nhằm hỗ trợ lấy lại tiền.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật Chính Pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, chia sẻ, từ năm 2023 đến nay đã có hàng chục tài khoản trên mạng xã hội giả danh anh để thực hiện hành vi lừa đảo.
“Ban đầu, những kẻ lừa đảo cam kết không thu phí. Sau đó họ sẽ gửi thông báo giả mạo các cơ quan chức năng về việc hồ sơ đã được tiếp nhận để tạo lòng tin và yêu cầu nộp các khoản phí, dịch vụ để hồ sơ được ưu tiên giải quyết nhanh hơn. Đến khi người dân không đủ khả năng chuyển thêm tiền thì họ sẽ chặn liên lạc. Tinh vi hơn là các đối tượng còn lấy thông tin người dùng để chiếm quyền kiểm soát thiết bị điện thoại”, luật sư Cường phân tích.
Luật sư Cường cũng cho biết, các đối tượng đưa nạn nhân vào các nhóm Telegram hay Zalo. Tài khoản trong các nhóm này đa phần là của các đối tượng lừa đảo, đăng tin cảm ơn cơ quan đã hỗ trợ lấy lại được tiền bị lừa, nhằm mục đích tạo uy tín.
Họ tạo không gian, môi trường để nạn nhân tưởng rằng đó là những bị hại giống mình. Thực ra đây là các chiêu trò lừa đảo. Các đối tượng rất giỏi về thao túng tâm lý. Các kịch bản được dựng lên ngay từ lúc tiếp cận nạn nhân.
Được biết, các đối tượng lừa đảo còn làm giả được tích xanh tài khoản Facebook của các luật sư có tên tuổi với số lượng người theo dõi nhiều hơn các tài khoản thực. Rất nhiều nạn nhân không tin rằng mình bị lừa đã kéo đến các văn phòng luật để yêu cầu đòi lại tiền đã nộp cho các tài khoản giả mạo.
Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã có văn bản gửi các cơ quan điều tra đề nghị xác minh, làm rõ, xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.
Các cơ quan chức năng không làm việc qua điện thoại hay mạng xã hội
Theo các cơ quan chức năng, tất cả các tài khoản quảng cáo thu hồi tiền treo trên mạng xã hội là giả mạo và đây đều là hành vi lừa đảo.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng Ban Nghiên cứu công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cho biết, các cơ quan chức năng không làm việc với người dân qua điện thoại hay các trang mạng xã hội. Người dân nếu không may bị lừa tiền thì không nên tìm hiểu các thông tin trên mạng rồi làm theo mà nên đến trình báo, làm việc trực tiếp với các cơ quan chức năng.
“Hiện nay, các nền tảng đều cung cấp những fanpage hoặc trang cá nhân có tích xanh mục đích để xác thực danh tính người dùng. Tuy nhiên, thực tế các đối tượng mua những trang có tích xanh của người khác sau đó đổi tên để giả mạo các cơ quan. Trách nhiệm thuộc về các nhà cung cấp dịch vụ, cụ thể là các trang mạng xã hội và các nền tảng trên internet. Các đơn vị này cần rà soát liên tục và cập nhật, xử lý các trường hợp giả mạo”, ông Vũ Ngọc Sơn đánh giá.
LÊ ĐỨC (nhandan.vn)
________
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an khuyến cáo người dân đặc biệt là những nạn nhân đã bị lừa đảo qua mạng:
Tuyệt đối không tin vào các bài viết hoặc tài khoản trên mạng xã hội hứa hẹn hỗ trợ thu hồi tiền lừa đảo. Tất cả các bài viết này đều nhằm mục đích lừa đảo.
Chỉ làm việc trực tiếp, không thực hiện các yêu cầu của các cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội khi chưa xác thực chính xác danh tính.
Không cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền cho bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào trên mạng xã hội.
Hiện nay, Bộ Công an và các đơn vị liên quan không ủy quyền cho bất kỳ đơn vị nào để tiếp nhận hồ sơ liên quan đến các vụ lừa đảo qua mạng xã hội.
Người dân cần trực tiếp đến cơ quan công an hoặc gửi đơn thông qua đường bưu chính để trình báo và được hỗ trợ giải quyết các vụ lừa đảo.